Thursday 10 March 2011

Kỹ thuật gieo trồng giống lúa CNR02 ở miền Bắc

1. Đặc tính giống

CNR 02 là giống lúa lai 3 dòng do Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên – Trung Quốc lai tạo, Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam nhập và khảo nghiệm.

Giống CNR 02 có tính cảm ôn, gieo trồng được cả 2 vụ trong năm, với thời gian sinh trưởngvụ xuân: 130 – 135 ngày và vụ mùa: 110 – 115 ngày.

CNR 02 phù hợp hơn với chân đất vàn, vàn trũng. Giống sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh khá, chống đổ tốt, sạch sâu bệnh. Bông lúa to và dài, với 150 – 170 hạt chắc/bông. Khối lượng 1.000 hạt: 28 – 30 g. Hạt gạo dài, ít bạc bụng, cơm mềm. Năng suất giống CNR 02 đạt bình quân 65 – 70 tạ/ha, thâm canh có thể đạt 80 – 90 tạ/ha.

2. Kỹ thuật canh tác

a. Kỹ thuật làm mạ

- Lượng giống cho 1 ha từ 23 – 28 kg (0,8 – 1 kg/sào Bắc Bộ).

- Thời vụ: vụ xuân muộn ở đồng bằng Bắc Bộ, gieo mạ 25/01 – 10/02, cấy trong tháng 02; vụ mùa, gieo mạ 5 – 20/6, cấy 25/6 – 10/7; vùng núi, gieo mạ đầu tháng 3, cấy trước 05/4. Hoặc căn cứ vào lịch thời vụ cụ thể của từng địa phương để áp dụng.

- Ngâm ủ giống: vụ xuân ngâm 16 – 20 giờ, vụ mùa ngâm 10 – 16 giờ. Cứ 4 – 5 giờ thay nước, rửa chua 1 lần; rửa sạch đến khi không còn mùi chua. Để ráo nước rồi đem ủ đến khi hạt nứt nanh (rễ dài bằng hạt thóc và mầm bằng 1/2 – 1/3 hạt thóc là đạt tiêu chuẩn mầm tốt) thì đem gieo.

- Phương pháp gieo: Có thể gieo mạ dược, gieo trên nền đất cứng hoặc gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng. Nên gieo thưa để cây mạ khỏe.

- Phân bón cho mạ và kỹ thuật chăm sóc mạ: (với lượng hạt giống 0,8 – 1 kg).

+ Bón lót 30 – 35 kg phân chuồng; 0,3 – 0,4 kg urê; 1,6 – 2,0 kg lân; 0,2 kg kali.

+ Bón thúc sau gieo 15 ngày (đối với vụ xuân) và 8 ngày (đối với vụ mùa): 0,2 – 0,3 kg urê; 0,1 – 0,2 kg kali.

Từ khi gieo đến khi mạ được 2,5 lá, giữ ẩm luống mạ, sau đó giữ nước 2 – 3 cm để cây mạ sinh trưởng và đẻ nhánh thuận lợi. Phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

b. Kỹ thuật cấy và chăm sóc

- Cấy khi mạ được 5 – 5,5 lá (đối với mạ dược) hoặc 3 – 4 lá (đối với mạ sân). Cấy nông tay, nên cấy 1 – 2 dảnh/khóm, 40 – 45 khóm/m2. Ruộng cấy phải được cày bừa nhuyễn, san phẳng, sạch cỏ dại, giữ nước sâu 3 – 4 cm.- Phân bón và cách bón: (lượng bón tính cho 1 sào 360 m2).

+ Nếu dùng phân đơn:

• Lượng bón: 300 – 350 kg phân chuồng, 10 – 12 kg đạm urê, 18 – 20 kg super lân, 6 – 8 kg kaliclorua. Lưu ý: vụ mùa, bón giảm phân đạm.

•Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 40% urê; bón thúc đẻ nhánh 40% urê và 50% kali sau cấy 12 – 15 ngày; bón thúc đòng 20% urê và 50% kali sau cấy 40 – 45 ngày..

+ Nếu dùng phân hỗn hợp: (được khuyến cáo sử dụng)

•Lượng bón: 300 – 350 kg phân chuồng; 25 kg phân NPK tỷ lệ 5:10:3 (loại chuyên dùng bón lót); 13 kg phân NPK tỷ lệ 12:5:10 (loại chuyên dùng bón thúc); 2 kg kaliclorua.

•Cách bón: Bón lót sâu toàn bộ phân chuồng hoặc hữu cơ vi sinh và 25 kg phân hỗn hợp NPK tỷ lệ 5:10:3; bón thúc đẻ nhánh 11 – 13kg phân hỗn hợp NPK tỷ lệ 12:5:10 sau cấy 12 – 15 ngày; bón thúc đòng 2 kg kaliclorua sau cấy 40 – 45 ngày..

- Điều tiết nước: sau cấy, giữ một lớp nước mỏng 2 – 3 cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Tiếp theo, tưới và tháo cạn nước xen kẽ, khi lúa đứng cái thì rút nước phơi ruộng đến nẻ chân chim. Sau đó, cho nước vào ruộng trong suốt thời gian trỗ bông, trước khi thu hoạch thì tháo nước.

- Phòng trừ cỏ dại và dịch hại:

+ Trừ cỏ: Tùy theo tập quán địa phương có thể diệt cỏ bằng thuốc trừ cỏ hoặc làm cỏ bằng tay.

+ Phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật ở địa phương.

Chú ý: CNR 02 là giống ưu thế lai, không dùng hạt thương phẩm làm giống cho vụ sau.

Theo khuyennongvn.gov.vn crazy monkey games

No comments:

Post a Comment