Thursday 10 March 2011

Kỹ thuật gieo mạ dược dày

Vụ đông xuân năm dự đoán có thể rét sớm, tuy không rét đậm nhưng rét kéo dài vì thế gieo mạ sân (nền cứng) rất dễ bị chết rét hoặc chết chòm. Một trong những biện pháp khắc phục là gieo mạ dược dày.

Mạ dược dày là mạ non gieo dược trên ruộng, khi cấy mạ mới có 3 - 4 lá. Ưu điểm của phương pháp này là trong điều kiện thời tiết rét đậm hoặc hanh khô kéo dài thì mạ không bị chết và chết chòm như mạ nền cứng. Muốn có cây mạ tốt, khoẻ, có đủ chiều cao để cấy cả ở chân ruộng trũng, khi cấy mau hồi xanh, cần làm tốt những yêu cầu sau:

1) Chọn giống

Chỉ gieo các giống lúa ngắn ngày như: lúa thuần Q5, BT7, T10, N97, TBR1, BC15,… lúa lai D.ưu 527, Nhị ưu 838… và các giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương.

2) Thời vụ

Tuỳ theo thời vụ cấy của từng địa phương để bố trí gieo mạ có đủ 18 - 20 ngày tuổi. Nếu cấy sau tiết Lập xuân, thì phải gieo mạ từ ngày 20 - 22/1

3) Ngâm ủ

- Trước khi ngâm, nên phơi lại thóc giống khoảng vài ba giờ đồng hồ dưới nắng nhẹ.

- Ngâm no nước: đối với giống lúa lai, ngâm khoảng 20 - 24 giờ, cứ 5 - 6 giờ thay nước 1 lần; giống lúa thuần, ngâm 48 - 60 giờ, cứ 10 - 12 giờ lại thay nước 1 lần. Khi soi hạt gạo ngoài ánh sáng, thấy gạo trong suốt, không có vẩn đục là hạt đã hút đủ nước. Sau đó, đãi sạch nước chua, gói thóc vào bao (bao không kín hơi), để ráo nước rồi đem ủ.

- Trời lạnh, thóc giống phải được ủ nóng. Trước khi ủ, nên đun nước nóng già, rát tay (2 sôi + 3 lạnh, nhiệt độ khoảng 50 – 550C); đổ nước ra chậu rồi ngâm gói thóc, sao cho trong, ngoài gói thóc đều được sưởi ấm. Kinh nghiệm một số nơi ủ thóc giống trong hố như sau: đào hố sâu 40 – 50 cm, tùy theo lượng giống mà đào miệng rộng hẹp khác nhau; kê gạch dưới đáy và lót rơm xung quanh hố để thông thoáng, giữ nhiệt; ủ thóc trong hố, đậy kín miệng hố bằng bao tải hoặc rơm rạ, vừa ấm, lại giữ được nhiệt lâu, thóc nảy mầm tốt hơn.

- Để mộng mạ phát triển cân đối giữa rễ và mầm, khi hạt thóc đã nứt nanh, nên ngâm nước ngay (ngày ngâm nước, đêm cho lên ủ kín). Mộng mạ đạt tiêu chuẩn khi có rễ dài bằng 1/3 – 1/2 hạt thóc, mầm mạ mới nhú (mộng gai dứa).

4) Gieo mạ

* Làm đất: Chọn ruộng nơi khuất gió, nhất là gió đông bắc. Cày bừa kỹ, bón lót 3 tạ phân chuồng ủ mục, 15 – 20 kg supe lân hoặc 25 kg NPK loại 6-11-2 cho 1 sào bắc bộ (360 m2).

Lên luống rộng 1,2 – 1,4 m (mặt luống rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào độ rộng của nilon che phủ). Khi đã san phẳng mặt luống, dùng ni-lon đã chọc thủng nhiều lỗ, hoặc bao xác rắn rải lên mặt luống, sau đó phủ một lớp bùn dày khoảng 2 – 2,5 cm bón phân lên mặt luống, xoa đều phân với lớp đất bùn rồi gieo mạ.

* Gieo mạ: Diện tích mặt luống để gieo 1 kg thóc giống đối với lúa lai là 6 – 7 m2, lúa thuần khoảng 4 – 5 m2. Chia lượng thốc giống để gieo đi gieo lại nhiều lần cho thật đều, gieo mạnh tay cho mộng lún sâu (kín hạt) vào đất.

* Che phủ ni-lon: Trong vụ xuân nhất thiết phải che phủ ni-lon chống rét cho mạ. Do vậy, cần chuẩn bị trước những thanh tre cắm vòm dài trung bình 2,0 – 2,2 m, bản rộng 2,5 – 3 cm; nilon khổ rộng 1 m hoặc 1,5 m đúp.

Cắm những thanh tre ngang luống để tạo thành bộ khung hình vòm cống. Phủ kín ni-lon lên khung, dùng bùn lấp kín ni-lon hai mép và đầu luống.

5) Chăm sóc mạ

- Nếu trời rét đậm, cần trùm kín nilon theo khum vòm để cây mạ sinh trưởng tốt, không bị chết rét. Nếu thời tiết ấm dần, phải mở nilon ở hai đầu luống, ban ngày mở ra, ban đêm đậy kín lại. Khi cây mạ đã ra 2,5 – 3 lá, nhiệt độ ngoài trời trên 180C, ấm áp thì không được che ni-lon mà mở toàn bộ nữa để cây mạ quen dần với môi trường.

- Khi mạ ra lá thật (lá có cả bẹ, phiến lá), dùng supe lân ngâm với nước giải 1 – 2 ngày, hoà loãng tưới cho mạ. Cũng có thể trộn cả lân và nước giải với tro mục rồi rắc đều cho mạ.

- Từ khi mạ ra 1,5 – 2 lá, đưa nước vào ruộng cho láng mặt luống mạ, ngâm chân mạ để mềm dược, sau dễ lật. Lúc này không bón đạm thúc cho mạ. Tuỳ tình hình sâu bệnh mà phun phòng trước khi nhổ cấy.

- Khi mạ được 15 – 18 ngày, ra nhiều rễ trắng, trời ấm thì lật từng mảng mạ đem cấy. Cấy nông tay, nhỏ dảnh.

Theo TTKNKNKN Thái Bình andkon

1 comment: